Cùng với sự phát triển của internet và các nền tảng mạng xã hội, mọi người trên thế giới có thể dễ dàng kết nối và nói chuyện với nhau. Bên cạnh những lợi ích tuyệt vời đó, bắt nạt trực tuyến đang là vấn nạn khiến nhiều người lo ngại. Bởi nó có ảnh hưởng trực tiếp đến tâm lý cũng như cuộc sống của người bị hại. Vậy bắt nạt trực tuyến là gì? Có những hình thức nào? Chúng ta cùng đi vào tìm hiểu rõ tại bài viết dưới đây!
Bắt nạt trực tuyến là vấn nạn được cảnh báo trên nhiều nền tảng
Mục Lục
Bắt nạt trực tuyến là gì?
Internet phát triển đem đến cho chúng ta rất nhiều lợi ích từ kinh tế, mua bán đến phát triển và lan rộng các giá trị tinh thần, văn hóa. Mặt khác nó cũng cho phép các cá nhân ẩn mình sau một chiếc mặt nạ để thực hiện nhiều mục đích khác nhau. Trong đó có lừa đảo, bắt nạt thậm chí là đưa thông tin sai lệch, chống phá nhà nước,… Ở thời điểm hiện tại vấn nạn bắt nạt trực tuyến đang là chủ đề được nhiều người chú ý với những hậu quả vô cùng nghiêm trọng.
Bắt nạt trực tuyến tiếng Anh là gì?
Bắt nạt trực tuyến hay bạo lực mạng có tên tiếng anh là Cyberbullying. Hiểu đơn giản đây là những hành động đe dọa, gây rối, chửi rủa, bắt nạt thông qua các nền tảng mạng xã hội. Điều này khiến nạn nhân bị tra tấn nghiêm trọng về tinh thần, họ bị hạ nhục, ảnh hưởng đến tâm lý và danh dự. Song song với sự phát triển của các nền tảng và mạng xã hội, bắt nạt trực tuyến ngày càng được phát triển và lan rộng.
Bắt nạt trực tuyến diễn ra phổ biến trên các mạng xã hội
Theo đó những đối tượng xấu sẽ tạo những tài khoản clone tức tài khoản giả để không ai biết họ là ai. Họ bắt đầu bằng cách đăng tải những dòng trạng thái, comment lời nói xúc phạm mang tính quấy rối, đả kích và kêu gọi tẩy chay trên các nền tảng. Nghiêm trọng hơn nhiều người còn dùng thêm hình ảnh, video nhằm hạ nhục, chỉ trích người khác. Tình trạng này diễn ra khá phổ biến trên các phương tiện truyền thông, các trang web, ứng dụng mạng xã hội thậm chí là tin nhắn hay các trò chơi điện tử.
Đánh giá thực trạng bắt nạt trực tuyến
Tình trạng bắt nạt trực tuyến đang ngày càng được báo động với nhiều hậu quả vô cùng nghiêm trọng. Sau khi làm một bài khảo sát nhỏ, có hơn 80% mọi người chia sẻ rằng họ từng bị bạo lực mạng. Trong đó độ tuổi phổ biến nhất là từ 8 đến 17 tuổi, đều là những bạn thanh thiếu niên còn rất trẻ.
Ngoài ra cũng có không ít những bạn sinh viên thậm chí là người đã đi làm cũng đang gặp phải tình trạng này. Những comment, hình ảnh hoặc video được chia sẻ trên mạng khiến họ bị chỉ trích tệ hại, gây căng thẳng, stress thậm chí là rối loạn tâm lý, mất ngủ,…
Những nạn nhân luôn ở trong trạng thái hoảng sợ, lo âu
Đặc biệt đối tượng phổ biến nhất của bạo lực mạng chắc chắn phải kể đến những ngôi sao đang nổi, người có ảnh hưởng trên các nền tảng mạng xã hội. Do đặc thù công việc, họ thường xuyên xuất hiện trước công chúng với hình ảnh chỉn chu, năng lượng tích cực. Có lẽ vì vậy họ luôn bị dò xét, đánh giá trong từng hành động của mình. Chính điều này tạo nên áp lực vô hình ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự nghiệp, tâm lý và trạng thái của họ trong suốt thời gian hoạt động. Đây cũng là nguyên do gây ra nhiều sự ra đi đáng tiếc trong thời gian vừa qua.
Các hình thức bắt nạt trực tuyến
Thực tế bắt nạt trực tuyến hiện đang được thực hiện qua rất nhiều cách và hình thức, đánh trực tiếp vào tâm lý của nạn nhân. Trong đó một số dạng được định hình rõ ràng có thể kể tới như:
Quấy rối – Harassment
Quấy rối là những hành động gửi tin nhắn, thông điệp với hàm ý thô lỗ, công kích nhằm xúc phạm, bạo hành hoặc lạm dụng với đối phương. Những bình luận, tin nhắn này sẽ khiến nạn nhân cảm thấy khó chịu, xấu hổ, thường là những chủ đề nhạy cảm.
Phỉ Báng – Denigration
Phỉ báng chính là những thông tin giả mạo, không đúng sự thật có thể gây tổn hại cho người khác. Hoặc đó cũng có thể là hình ảnh được lan truyền với mục đích xấu, gây thị phi hoặc chế giễu người khác.
Bạo lực mạng diễn ra ở nhiều hình thức
Phát tán và lừa đảo – Outing and Trickery
Hình thức lừa đảo qua mạng đã không còn quá xa lạ với mọi người. Đã có không ít những nạn nhân bị lừa mất tài sản, tiền thậm chí là lừa tình. Thủ đoạn lừa đảo trên mạng rất công phu, kẻ xấu có thể lừa lấy thông tin bí mật của mỗi người (Tài khoản ngân hàng, tài khoản mạng xã hội,…) hoặc dựa theo hình ảnh, âm thanh, video để lấy được lòng tin và tài sản.
Gây đau khổ, tổn thương – Flaming
Với ý đồ không tốt, những người ẩn danh trên mạng bắt đầu công kích người khác bằng những ngôn từ không mấy tốt đẹp tại các cuộc tranh luận trên mạng xã hội. Mục đích của chúng là gây tổn thương tinh thần cho nạn nhân, đồng thời thu hút những người khác tham gia vào cuộc tấn công để hủy hoại, gây đau khổ cho người bị hại.
Mạo danh – Impersonation
Mạo danh chính là việc người xấu có thể đăng nhập vào các tài khoản email, Facebook hay bất kỳ tài khoản nào của người dùng sau đó giả mạo người đó đi vay tiền, đăng tin xấu, lừa đảo mọi người. Có không ít người bị tổn hại danh tiếng và cả tiền của chỉ vì hình thức này.
Nhiều người bị lừa tiền vì mạo danh
Cô lập – Exclusion
Cô lập đánh thẳng vào tâm lý của nạn nhân, họ cố tình loại bỏ một ai đó ra khỏi một nhóm, một tổ chức,… Không hẳn là khai trừ, cô lập tức là nạn nhân vẫn ở trong nhóm nhưng không nhận được sự tương tác từ mọi người. Lâu dần sẽ tạo thành một bóng ma tâm lý, ảnh hưởng nghiêm trọng đến trạng thái, hiệu quả làm việc cũng như tâm trạng.
Bám theo trên mạng – Cyberstalking
Bám theo trên mạng được hiểu là sự lặp đi lặp lại những thông điệp, tin nhắn đe dọa, quấy rối ở bất kỳ mạng xã hội, kênh trực tuyến nào. Lúc này nạn nhân luôn ở trong trạng thái sợ hãi, cảm giác như kẻ xấu có thể tấn công mình ở bất kỳ đâu, bất kỳ lúc nào.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng bắt nạt trực tuyến là gì?
Nhìn chung hầu hết các trường hợp này đều được thực hiện bởi những người không rõ danh tính. Theo các chuyên gia, bắt nạt trực tuyến có thể phát sinh do các nguyên nhân sau:
Bạo lực mạng để lại hậu quả nghiêm trọng về tâm lý
Trả thù gián tiếp
Một trong những nguyên do phổ biến nhất có lẽ chính là vì sức ép của cuộc sống. Chính những người đó cũng đang phải đối mặt với căng thẳng, mệt mỏi hoặc bản thân họ cũng đã từng là nạn nhân bị bắt nạt. Điều này khiến họ nảy sinh tâm lý muốn trút giận lên người khác.
Họ bắt đầu sử dụng mạng xã hội như một công cụ để trả thù cuộc sống và những người từng bắt nạt hoặc gián tiếp bắt nạn họ. Họ cảm thấy mình bị đối xử bất công và muốn rằng mọi người cũng phải đối mặt, cảm nhận những điều tồi tệ mà họ từng gặp phải.
Khao khát quyền lực
Phần đông những đối tượng bắt nạt người khác trên mạng thường cho rằng mình luôn luôn đúng. Họ tự cho mình quyền lăng mạ, phán xét và chỉ trích người khác. Và dĩ nhiên với họ, những người bị hại xứng đáng phải gánh chịu những tổn thương đó.
Cho rằng mình đúng và có quyền phán xét người khác
Do không sợ bị phát hiện
Như đã chia sẻ: Những kẻ tham gia bảo bạo lực mạng thường chỉ sử dụng các tài khoản giả, giấu danh tính để hạn chế khả năng bị phát hiện. Do vậy đa phần những hành vi bắt nạt trực tuyến thường rất khó để phát giác, xác định danh tính.
Thậm chí một số kẻ xấu còn cảm thấy hưng phấn khi mọi người cố gắng tìm kiếm mà không tìm ra được hắn. Điều này vô tình làm tăng hưng phấn, khiến họ cảm thấy thú vị và tiếp tục hành vi hạ thấp danh dự, nhân phẩm của nạn nhân.
Khao khát thể hiện bản thân
Theo nhiều số liệu thống kê, những thủ phạm bạo lực mạng đều là những người trẻ, thuộc độ tuổi vị thành niên. Trong giai đoạn này, họ luôn muốn được khẳng định bản thân. Chính vì vậy họ chọn cách bạo hành, ức hiếp người khác. Nhất là khi vấn đề trở nên nghiêm trọng hơn, mọi người dần chú ý và cố gắng tìm ra thủ phạm. Lúc này họ trở nên tự mãn hơn, cảm thấy có chút thành tựu khi những nạn nhân của mình ngày ngày sợ hãi, hoang mang.
Thể hiện bản thân hơn người để nhận được sự chú ý
Do thù ghét, ganh tỵ
Có khá nhiều những trường hợp bắt nạt trực tuyến bắt đầu từ sự đố kỵ và ganh ghét. Đa phần nạn nhân đều là những người có tiền tài, sắc đẹp hoặc địa vị. Họ ghen ghét với những gì người khác có được và muốn đạp đổ nó. Đây cũng là một dạng tâm lý thường gặp hiện nay.
Xem như trò tiêu khiển mạng
Nhiều người không ý thức được rằng mình có thể gây tổn thương cho người khác chỉ bằng lời nói hoặc hành vi khiêu khích. Họ đơn giản chỉ cho đó là trò đùa vui vô hại khi cuộc sống quá tẻ nhạt.
Hậu quả của bắt nạt trực tuyến
Diễn ra ngày càng phổ biến, vấn nạn bắt nạt trực tuyến được lên án với rất nhiều hậu quả nghiêm trọng. Một số có thể kể tới gồm:
Các vấn đề về cảm xúc
Một trong những tác hại lớn nhất của bạo lực mạng chính là gây ảnh hưởng xấu đến cảm xúc của nạn nhân. Người bị bắt nạt sẽ thường xuyên rơi vào trạng thái thiếu an toàn, luôn sợ hãi bản thân bị theo dõi, dò xét thậm chí là sợ hãi, hoảng loạn. Đỉnh điểm là chỉ cần tiếng thông báo, email hay cuộc gọi cũng có thể làm họ sợ hãi, kích động.
Sợ hãi, hoang mang là trạng thái thường gặp của nạn nhân bạo lực mạng
Gặp nhiều rắc rối trong cuộc sống
Dưới ảnh hưởng của mạng xã hội, những thông tin sỉ nhục, bôi nhọ và lăng mạ trên mạng rất dễ bị lan truyền. Do vậy nó đem đến những phiền phức không nhỏ cho cuộc sống cũng như việc học tập, làm việc cũng như các mối quan hệ của nạn nhân.
Mặt khác điều này cũng có thể để lại những dấu ấn không tốt trong tâm lý cũng như sự trưởng thành của những bạn trẻ. Việc bị bắt nạt ở độ tuổi thanh thiếu niên sẽ khiến chúng mất đi sự tự tin, động lực cùng lòng tin vào những điều tích cực. Đây có thể trở thành rào cản ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người đó ở cả hiện tại và tương lai.
Rối loạn liên quan đến stress
Phần lớn những nạn nhân Cyberbullying đều gặp vấn đề về tâm lý. Khi bị “bắt nạt” quá lâu họ dần rơi vào trạng thái căng thẳng, mệt mỏi, sợ hãi và cuối cùng là trầm cảm. Họ luôn cảm nhận rằng mọi người ghét bỏ, chống đối mình, cuộc sống xung quanh không còn một chút hy vọng nào. Tình trạng này kéo dài là nguyên nhân gây ra chứng bệnh trầm cảm, stress, rối loạn lo âu cùng nhiều triệu chứng như đau đầu, mất ngủ, chóng mặt,…
Họ rất nhạy cảm với thông báo tin nhắn, cuộc gọi
Tự tử
Có không ít những nạn nhân bị bạo lực mạng dẫn đến tự tử. Việc bị sỉ nhục, vu khống hay lăng mạ sẽ khiến các nạn nhân bị ảnh hưởng nghiêm trọng về tâm lý và cuộc sống. Cuối cùng khi áp lực đủ lớn, họ dùng sự “từ bỏ” của mình để chứng minh trong sạch, kết thúc mọi sự bàn tán và cũng là giải thoát cho chính bản thân. Đây cũng là lý giải cho sự tăng nhanh về các vụ tự sát trong vài năm trở lại đây.
Dấu hiệu nhận biết một ai đó bị bắt nạt trực tuyến
Thật khó để có thể tự vượt qua bạo lực mạng, lúc này hơn ai hết những nạn nhân của cyberbullying đều mong muốn có một người ở bên, bênh vực mình, trở thành nguồn sáng của mình. Tuy nhiên ở góc nhìn khác họ luôn muốn che giấu không để ai biết vì cảm thấy xấu hổ, sợ bị mọi người kỳ thị, xa lánh. Vậy làm sao để nhận biết một người đang bị bắt nạt trực tuyến?
- Họ luôn có cảm giác chán nản, tuyệt vọng và buồn bã khi sử dụng mạng xã hội hoặc trong thời gian sau đó.
- Họ dễ nổi giận, hoảng loạn, có xu hướng mất kiểm soát khi đối diện với các nội dung hạ nhục, chửi bới, đe dọa trên mạng.
- Những người này dần xa lánh và không muốn gần gũi, tụ tập với bạn bè, gia đình.
Làm sao để biết một người bị bắt nạt trực tuyến?
- Họ khó kiểm soát tâm trạng và suy nghĩ của bản thân.
- Dễ mất tập trung, thay đổi thói quen ăn uống, sinh hoạt, ngủ không sâu.
- Luôn ở trong trạng thái lo lắng, kích động, bất an đặc biệt khi có chuông báo.
- Họ né tránh việc sử dụng điện thoại, máy tính, mạng xã hội hoặc một số người sẽ thường xuyên cập nhật để theo dõi thông tin về bản thân trên mạng.
- Xuất hiện những cảm xúc tiêu cực, dễ bị mệt mỏi, kiệt sức, trầm cảm và stress.
Cách khắc phục bắt nạt trực tuyến
Trước kia chúng ta thường coi nhẹ bắt nạt trực tuyến vì nó không tác động gây tổn thương bên ngoài. Tuy nhiên không thể phủ nhận rằng vấn nạn này để lại hậu quả vô cùng lớn với tâm lý cũng như xu hướng tính cách và cuộc đời của nạn nhân. Vậy làm sao để ngăn chặn bắt nạt trực tuyến?
Chia sẻ với người lớn
Nếu phát hiện mình đang bị bạo lực mạng, việc đầu tiên hãy thông báo với người lớn cụ thể là gia đình và nhà trước. Nếu bạn đang ở lứa tuổi học sinh hoặc sinh viên, đây có lẽ là giải pháp hiệu quả và an toàn nhất.
Chủ động chia sẻ với người thân về tình trạng mà mình gặp phải
Gia đình và nhà trường luôn là chỗ dựa mà bạn có thể tin cậy, tìm đến khi gặp bất kỳ vấn đề gì. Vì là người lớn nên vấn đề sẽ được giải quyết dễ dàng hơn, đồng thời bạn cũng sẽ nhận được những lời khuyên hữu ích để bản thân trở lên tốt hơn sau này.
Hạn chế tiếp cận công nghệ, mạng xã hội
Nếu tình trạng có xu hướng diễn biến quá tệ, tốt nhất nên hạn chế sử dụng mạng xã hội trong một thời gian ngắn. Điều này sẽ giúp bạn ổn định hơn về tâm lý đồng thời có biện pháp giải quyết hiệu quả. Đừng cố gắng đọc những bài đăng hay thông tin về mình, vốn dĩ bạn là người rõ nhất về sự thật trong đó.
Báo cáo nội dung xấu, chặn tài khoản
Trong trường hợp không hiểu rõ hoặc không có thông tin gì về đối tượng bạo lực mạng đối với mình thì tốt hơn hết hãy chặn tài khoản và đưa ra báo cáo xấu cho những nội dung được họ đăng tải. Hiện gần như tất cả các mạng xã hội đều cho phép người dùng báo cáo chặn, hạn chế tương tác với những nội dung mà mình không quan tâm.
Đưa ra báo cáo cho bài viết lăng mạ, xúc phạm mình
Trình báo cơ quan chức năng
Với những sự việc nghiêm trọng hơn, thủ phạm có hành vi, lời nói xúc phạm hoặc vu khống làm ảnh hưởng đến công việc, danh dự thậm chí là thiệt hại tài sản thì hãy trình báo cơ quan chức năng để được sự hỗ trợ. Lưu ý hãy thu thập đầy đủ bằng chứng tin nhắn, chụp hình bài đăng và các thông tin về đối tượng đó để đơn vị tiếp nhận và xử lý thích đáng nhé!
Chung tay ngăn chặn bắt nạt trực tuyến trên mọi nền tảng!
Tổng kết
Nói tóm lại bắt nạt trực tuyến là một trong những vấn nạn đặc biệt nguy hại, cần được phát hiện và can thiệp kịp thời. Bởi nó có thể gây nhiều rào cản tâm lý, ảnh hưởng đến cuộc sống, tâm trạng, tính mạng của nạn nhân. Vì thế khi sử dụng mạng xã hội nói riêng, internet nói chung, hãy trang bị cho mình đầy đủ kiến thức và kỹ năng để không gặp phải những điều không mong muốn.
Vừa rồi chúng ta vừa cùng nhau tìm hiểu về bắt nạt trực tuyến cũng như nguyên nhân, cách khắc phục và hậu quả mà nó có thể gây ra. Để không ai gặp phải tình trạng tồi tệ này, mỗi người dùng nên có trách nhiệm, chung tay tạo ra một cộng đồng trong sạch, lành mạnh và có ích với mọi người!