Cứ đến ngày 3 tháng 3 âm lịch (tết hàn thực) hằng năm là các gia đình Việt lại háo hức chuẩn bị bánh trôi, bánh chay để cúng gia tiên. Vậy tết hàn thực là gì? tết hàn thực có ý nghĩa gì? Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu rõ hơn về Tết này qua bài viết dưới đây nhé!
Tết hàn thực là gì?
“Tết hàn thực là ngày gì?”, “Tết hàn thực có nghĩa là gì?” – Theo tiếng Hán thì “Hàn” có nghĩa là “lạnh”, còn “Thực” có nghĩa là “ăn”.
Vì thế: Tết hàn thực có nghĩa là ” tết ăn đồ lạnh ” .

Hằng năm, khi đến ngày tết truyền thống này các gia đình sẽ làm bánh trôi, bánh chay, nấu xôi chè để lễ Phật và cúng gia tiên. Đây cũng là cách để tưởng niệm người thân trong những ngày cuối xuân.
Nguồn gốc và ý nghĩa Tết Hàn Thực
1. Tại sao có Tết Hàn Thực?
Thực chất, Tết Hàn thực có nguồn gốc từ Trung Quốc và được nhiều người biết đến thông qua tiểu thuyết Đông Chu Liệt Quốc. Câu chuyện kể rằng, vào thời Xuân Thu (770 – 221), vua của nước Tấn là Tấn Văn Công gặp loạn nên phải bỏ nước và lưu vong sống trong cảnh nay đây mai đó.
Bấy giờ, người theo phò vua có 1 hiền sĩ là Giới Tử Thôi cùng nhau “nếm mật nằm gai, khổ luyện thành tài”. Một hôm trên đường đi lánh nạn bị cạn kiệt lương thực và Giới Từ Thôi đã lén cắt miếng thịt đùi của mình nấu lên dâng vua.
Về sau, Tấn Văn Công giành lại được ngôi vương và trở về làm vua và phong thưởng cho những người có công khi phò tá ông. Tuy nhiên, ông lại quên mất Giới Tử Thôi và Giới Tử Thôi cũng không oán hận gì và ông về nhà đưa mẹ già vào núi Điền Sơn để ở ẩn.

Sau này, vua Tấn Văn Công cho người đi tìm Giới Tử Thôi, nhưng ông không màng danh lợi và quyết không quay về. Vì thế, vua Tấn đã ra lệnh đốt rừng để thúc ép ông quay về, nhưng ông nhất quyết không về và 2 mẹ con đã bị chết cháy trong rừng.
Nhà vua đã hối hận và cho lập miếu thờ hằng năm cứ đến ngày chết cháy của 2 mẹ con Từ Thôi thì cấm dùng lửa để nấu ăn. Từ đó, ngày này được coi là ngày Tết Hàn thực.
>> Xem thêm : Năm nhuận có bao nhiêu ngày? Năm 2021 có phải năm nhuận không?
2. Ý nghĩa Tết Hàn thực ở Việt Nam
Dù Tết Hàn thực có nguồn gốc từ Trung Quốc, tuy nhiên Tết Hàn thực ở Việt Nam lại mang một sắc thái riêng biệt. Đây cũng chính là dịp để người Việt tưởng nhớ về công lao của người đã hy sinh cho đất nước, và cũng là ngày tưởng nhớ đến tổ tiên, ông bà, hướng về cội nguồn, những người đã khuất.
Ngày tết này ở nước ta khác với bên Trung Quốc là người dân vẫn dùng lửa nấu nướng bình thường và dùng bánh trôi, bánh chay là thức ăn nguội để cúng tổ tiên, ông bà.
Tết Hàn thực là ngày nào?
Có khá nhiều bạn thường thắc mắc “Tết hàn thực ngày bao nhiêu?”, “Tết hàn thực có phải là tết thanh minh không?”.
- Tết Hàn thực thường diễn ra vào ngày 3/3 âm lịch hàng năm. Ngày Tết này thường xuất hiện tại một số tỉnh Trung Quốc và một số tỉnh ở miền Bắc nước ta.
- Tết thanh minh là ngày lễ không cố định và được tính bằng lịch dương chứ không phải lịch âm. Thời gian bắt đầu của tết thanh minh thường bắt đầu từ ngày 4 hoặc 5 của tháng 4 (sau khi kết thúc tiết xuân phân) và kết thúc vào khoảng ngày 20 hoặc 21/4 dương lịch.
Vì thế, hay ngày Tết này là hoàn toàn khác nhau, các bạn đừng nhầm lẫn nhé.
Tết Hàn thực nên làm gì?
1. Mâm cỗ cúng trong Tết Hàn thực

Cũng giống như các ngày lễ trong năm khác, vào ngày Tết Hàn thực các gia đình cũng sẽ bày biện lễ mọn cùng tấm lòng thành kính dâng lên tổ tiên, ông bà. Mâm cỗ cúng trong Tết Hàn thực thường có:
- Mâm ngũ quả: Đây là một trong những lễ vật không thể thiếu trong ngày tết hàn thực 3/3. Tuỳ vào điều kiện của mỗi gia đình mà có thể lựa chọn loại quả phù hợp để dâng lên cúng.
- Bánh trôi, bánh chay: Khi nhắc tới tết hàn thực thì không thể không nhắc tới bánh trôi, bánh chay. Đây là lễ vật quan trọng tạo nên nét đặc trưng riêng của Tết hàn thực Việt.
- Trầu cau: Dù là bất kỳ ngày lễ nào đi chăng nữa thì trầu cau cũng là thứ không thể thiếu trên mâm lễ cúng.
- Hương hoa, tiền vàng: Tiền vàng sau khi cúng sẽ được hoá đi để cầu mong người nhà ở thế giới bên kia luôn đầy đủ, ấm no.
- Trà: Bạn có thể để nguyên gói trà thanh tịnh hoặc đem pha vào ấm sạch rồi rót ra 3 – 5 chén nhỏ để bày lên ban cúng cho phải đạo.
2. Tết Hàn thực ăn món gì?

Hai món ăn không thể thiếu trong Tết Hàn thực đó là bánh trôi và bánh chay:
- Bánh trôi: Là loại bánh được làm bằng bột nếp và có nhân bằng đường phên già. Sau đó sẽ được nhào nặn thành những viên tròn nhỏ vừa miệng. Khi nặn xong, bánh được thả vào nồi nước đang sôi, bánh chìm xuống rồi nổi lên “3 chìm, 7 nổi, 9 lênh đênh” thì vớt ra và ngâm trong nước sôi nguội cho săn lại rồi vớt ra bày vào đĩa. Đĩa bánh trôi được rắc thêm mấy hạt vừng trắng thơm thơm.
- Bánh chay: Là loại bánh cũng được làm bằng bột gạo nếp nhưng có hương vị khác hẳn. Bánh được đựng trong bát và thêm 1 ít chè đường quấy với bột sắn hoặc bột đao. Ngoài ra, có thể thêm dừa, vừng hoặc đỗ xanh lên mặt bánh.
Ngoài ra, ở một số vùng thì người ta còn nấu xôi, chè, bánh nhót để lễ Phật và cúng gia tiên.
>> Xem thêm : [MỚI] 1 năm có bao nhiêu ngày, tuần, ngày lễ, ngày nghỉ lễ, nghỉ phép?
3. Tại sao Tết Hàn thực lại ăn bánh trôi bánh chay?
Tết Hàn Thực bắt nguồn từ Trung Quốc, nhưng khi vào Việt Nam nó đã hợp nhất với Tết tháng 3, Tết bánh trôi, bánh chay của người Việt. Bản thân của ngày tết này cũng mang ý nghĩa và thể hiện nét đặc trưng văn hoá, lối sống và khát vọng mơ ước rất riêng của người Việt.
Việc ăn bánh trôi, bánh chay trong ngày tết Hàn thực cũng mang nhiều ý nghĩa tốt đẹp.
- Thứ nhất, thể hiện được nền văn minh lúa nước. Cả 2 loại bánh này đều được làm từ bột gạo nếp thơm ngon, và đây cũng chính là thành quả lao động vất vả mới có được để dâng lên tổ tiên, ông bà.
- Thứ hai, nó còn bắt nguồn từ truyện “ Con rồng cháu tiên”. Bánh chay tượng trưng cho 50 quả trứng và nở ra thành 50 người con theo cha xuống biển. Còn bánh trôi tượng trưng cho 50 người con theo mẹ lên rừng.
Vì thế, tết Hàn thực bánh trôi bánh chay của người Việt chủ yếu mang ý nghĩa hướng về cội nguồn và tưởng nhớ công lao của người đã khuất.
Hy vọng với những chia sẻ trên sẽ giúp các bạn hiểu rõ hơn về Tết hàn thực là gì? và ý nghĩa của tết hàn thực này. Vì thế, trong những ngày này dù ai đi đâu, về đâu cũng cố gắng trở về bên gia đình để sum họp, quây quần bên gia đình để thưởng thức vị ngọt ngào của bánh trôi, bánh chay; đồng thời nhắc nhở nhau nhớ đến những truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.